Chiều nay 18/10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo quốc tế trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV. Tại cuộc họp báo, câu chuyện 9 người đi cùng chuyên cơ của Chủ tịch QH rồi bỏ trốn ở lại Hàn Quốc một lần nữa được phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi.
– Về sự cố 9 người đi theo đoàn Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín trong và ngoài nước, Tổng thư ký Quốc hội đã có biện pháp, quán triệt như thế nào để tránh trường hợp tương tự?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc này báo chí đã đề cập và tôi đã trả lời. Vấn đề được hỏi nhiều là “đi cùng” hay “đi nhờ”. Nói đi cùng thì cũng chẳng phải, vì đoàn này đi tham dự diễn đàn đầu tư – thương mại do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, VCCI ở Hàn Quốc và Bộ Kế hoạch – đầu tư phối hợp tổ chức. Đó là đoàn riêng, không liên quan đến đoàn của QH. Việc này cũng không phải là lần đầu tiên, từ trước đến nay đều như vậy.
Trong quá trình thành lập đoàn, Bộ KH-ĐT đã lựa chọn, lập danh sách, gửi Bộ Công an thẩm tra nhân thân từng người một, sau đó đề nghị Văn phòng Quốc hội cho đi nhờ trên chuyên cơ. Sau khi sự việc xảy ra, nhận thông tin bên Hàn Quốc, chúng tôi đã kiên quyết gửi văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Công an khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để trục xuất các đối tượng này về, và phía Hàn Quốc phối hợp rất tốt. Đây là danh dự, uy tín của chúng ta.
Chúng ta khẳng định rằng chủ trương để các doanh nghiệp ra nước ngoài, tiếp xúc, tiếp cận thị trường, tham dự các diễn đàn đầu tư, thương mại, tìm cơ hội làm ăn, tìm cơ hội hợp tác, là chủ trương tốt đẹp, nhưng sự việc xảy ra là không tốt.
Vậy biện pháp nào để chấn chỉnh? Tôi cho rằng dứt khoát là từ lần sau không cho đi nhờ nữa. Các đoàn đó sẽ tự tổ chức đi, diễn đàn tự tổ chức đi, không đi nhờ nữa để đảm bảo không bị hiểu sai. Diễn đàn hoàn toàn do các cơ quan của Bộ KH-ĐT tổ chức, không liên quan gì đến VPQH. Biện pháp đó là tối ưu, để khỏi mang tiếng. Tôi xin nói thêm là visa cấp cho đoàn doanh nhân này không phải visa ngoại giao, mà Bộ KH-ĐT phối hợp với Vietravel tổ chức cho đoàn này đi.
– Thưa ông, danh sách 9 đối tượng bỏ trốn không phải là bí mật quốc gia, tại sao không thể công bố?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Về danh sách đoàn, cho đến bây giờ tôi không biết ai cả. Danh sách này do Bộ KH-ĐT quản lý. Vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ, tôi được biết các phóng viên đã hỏi vấn đề này, đại diện Bộ Công an và Bộ KH-ĐT đã trả lời.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 2/10, trả lời báo chí về vụ việc 9 người đi cùng chuyên cơ Chủ tịch Quốc hội song bỏ trốn ở lại Hàn Quốc vào cuối năm 2018,Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, khi được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì lựa chọn doanh nghiệp tham gia đoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan an ninh Bộ Công an, Bộ tư lệnh Cảnh vệ… kiểm tra nhân thân người tham gia. Tuy nhiên, việc 9 người trốn ở lại “không lường trước được” và “rất đáng tiếc”.
Cũng theo ông Trung, Bộ KH-ĐT thấy “có trách nhiệm” và đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rà soát toàn bộ quy trình để siết chặt việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia đoàn. Trường hợp phát hiện sai phạm của cán bộ liên quan việc lựa chọn doanh nghiệp, Bộ sẽ xử lý theo quy định.
Về lý do chưa công bố danh sách 9 người này, cả đại diện Bộ KH-ĐT và đại diện Bộ Công an đều cho biết, vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể công bố.
Xuân Hưng