Hôm thứ Tư 2/10/2016, đại bồi thẩm đoàn tại tòa Tối Cao Pháp Viện hạt Brooklyn, Nữu Ước, tuyên án “guilty” cho cảnh sát viên Peter Liang, và truy tố anh.
Bản án “ngộ sát” (manslaughter) đó làm cậu nhân viên công lực này mất hết nội lực; gục mặt vào hai bàn tay nhỏ bé (so với những bàn tay Mỹ Đen, Mỹ Trắng to lớn hơn, cứng cát hơn), cậu ngồi chết điếng trên ghế bị cáo.
Có thể Liang, 27 tuổi, cũng không quá nhỏ bé, nhưng cái hình cậu chụp mang những nét non nớt của một cậu học sinh trung học, tạo xót xa cho người Mỹ gốc Á.
Muốn chính xác hơn về gốc quốc tịch, phải nói rõ Liang là người gốc Hồng Kông, theo cha, mẹ di cư qua Mỹ từ lúc cậu còn nhỏ, và hiện đang sống chung với đại gia đình tại Bensonhurst, Brooklyn. Bố cậu là một đầu bếp, mẹ cậu làm việc tại một xưởng may. So với thế hệ Một Tị Nạn của người gốc Việt, ông Lương (Liang) còn có nghề chuyên môn võ trang bằng cái chảo truyền thống của người Hoa, để có job ngay trong tháng đầu tiên ông đưa gia đình tới Mỹ, xin định cư.
Người Hoa -cũng như những sắc tộc Á Châu khác- tôn trọng học vấn; vợ chồng ông Lương chấp nhận cuộc sống vất vả, đầu tắt, mặt tối để nuôi con đi học.
Tốt nghiệp trung học, Peter Liang xin vào làm việc tại sở cảnh sát Nữu Ước, và mới được 18 tháng thì việc đáng tiếc xảy ra: hôm 20 tháng 11/2014 cậu bắn chết anh Mỹ Đen Akai Gurley, 28 tuổi
Cảnh sát viên Peter Liang
Cùng với một cảnh sát viên khác, Liang đi tuần bên trong chung cư Louis H. Pink Houses tại khu vực Tây Nữu Ước; hai người đi trên một cầu thang không có đèn; thấy nguy hiểm, Liang rút súng cầm sẵn trên tay.
Đúng lúc đó thì anh Gurley và cô bạn gái từ lầu 7 bước vào thang gác, cặp này đi dưới hai anh cảnh sát 14 bậc thang; súng nổ, Liang khai là anh không bắn, mà súng cướp cò. Viên đạn trúng vách tường, dội ngược trở lại, ghim vào ngực anh Gurley; được đưa vào bệnh viện, anh này chết tại đó.
Trong lúc bị bắn -ngày 11/20/2014- Gurley không võ trang; và trong suốt thời gian xét xử gia đình anh quả quyết là cảnh sát cố ý giết anh, vì anh là người Mỹ Đen.
Akai Gurley
Một ngày sau, ngày mùng 10 tháng Hai, anh Liang trình diện; cùng đi với anh -ngoài thân nhân- còn có nhiều người Á Châu khác, kể cả các phóng viên báo Hoa ngữ; họ đi theo anh để ủng hộ anh.
Mặc dù được sự ủng hộ của một nhúm người Mỹ gốc Hoa, Liang vẫn bị sở cảnh sát Nữu Ước sa thải ngay hôm đó, và sẽ bị xử tại Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Nữu Ước, do chánh thẩm Danny K. Chun, một người Mỹ gốc Hàn, xét xử.
Nhiều báo Hoa ngữ vẽ cho anh số phận “dê tế thần”; họ tiên đoán anh sẽ bị trừng phạt nặng nề để đền tội cho những cảnh sát viên khác -đa số là người Mỹ Trắng- đã và hiện vẫn đang giết người Mỹ Đen.
Giải thích nguyên nhân khiến anh Liang sẽ bị trừng phạt vì tội giết Mỹ Đen, báo Hoa ngữ viết “bản chất hiền hòa, thụ động, không thích xuống đường ồn ào phản đối của người Á Châu sẽ khiến Liang lãnh án tù giam.”
Ông John C. Liu, một cựu viên chức thành phố Nữu Ước, và cũng là một ứng cử viên tranh chức đô trưởng Nữu Ước năm 2013, nhận xét, “Người Mỹ đang cần treo cổ một cảnh sát viên để xoa dịu phong trào phản đối của người Mỹ Đen; treo cổ một cảnh sát viên gốc Á Châu dễ hơn treo cổ một cảnh sát viên khác, vì người Á Châu nổi tiếng là ‘câm như hến’.”
Ông John C. Liu
Hôm thứ Sáu 2/12 hội ái hữu Hoa Kiều Lin Sing Association tổ chức họp báo tại văn phòng của hội đường Mott Street để trả lời thắc mắc của người gốc Hoa về vụ án Peter Liang.
Luật sư Robert E. Brown -người phụ trách biện hộ cho Liang- nói với cử tọa, “Không cứ người gốc Hoa, mà nhiều người Mỹ da mầu khác cũng nói là anh Liang sẽ không bị truy tố nếu anh không phải là một người da mầu. Tuy nhiên tôi không hình dung được cảnh quý vị thành viên đại bồi thẩm đoàn bảo nhau: ‘truy tố người này đi, vì anh ta gốc Á Châu’.”
Ông cho là anh Liang cũng có tội.
Nhà địa ốc Joseph Lin -người năm ngoái đã tổ chức biểu tình bênh vực anh Liang- chỉ trích đồng bào ông quá thụ động trong thái độ ‘cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại.’ Bà thợ tóc Mandy Lu, 43 tuổi, làm thợ tóc tại khu Chợ Tầu Manhattan đồng ý anh Liang là nạn nhân của tệ trạng kỳ thị sắc tộc. Ông Donald Moy, 71 tuổi, chủ quán cà phê Mee Sum nhận định, “Việc xảy ra là một tai nạn, không phải là một tội ác. Anh Liang không cố ý bắn anh Gurley.” Dĩ nhiên ông Moy cũng nói đúng.
Bà thợ tóc Mandy Lu
Tiệm cà phê Donald Moy
Cô Cathy Dang, giám đốc tổ chức Committee Against Anti-Asian Violence trình bày một lập trường tế nhị hơn: cô ủng hộ những tổ chức Mỹ Đen đòi trừng phạt các cảnh sát viên giết người Mỹ Đen, nhưng cô lại bênh vực anh Liang -người mà cô gọi là nạn nhân bị nhóm quyền lực trói gô lại rồi ném vào bánh chiếc bus đang chạy để đền tội những cảnh sát viên khác giết Mỹ Đen. Cô Dang nói Liang chết thay cho những cảnh sát viên da trắng -như bốn anh cảnh sát xúm nhau lại, siết cổ anh Mỹ Đen Eric Garner giữa công lộ và giữa ban ngày, cho đến lúc anh này chết vì nghẹt thở.
Cô Cathy Dang, đòi truy tố bốn cảnh sát viên Mỹ Trắng siết cổ, giết anh Mỹ Đen Eric Garner giữa công lộ
Tuy nhiên việc truy tố anh Liang về tội ngộ sát vẫn chính xác, vì viên đạn giết anh Gurley thoát ra từ nòng khẩu súng anh Liang cầm trên tay; do việc anh không chủ tâm giết anh Gurley nên anh chỉ truy tố về tội ngộ sát.
Điều không chính xác người Mỹ gốc Á đang phản đối là nhiều cảnh sát viên khác trước Liang, chủ tâm giết Mỹ Đen -cố sát- mà vẫn không bị sa thải như Liang bị sa thải, và không bị truy tố, như Liang đang bị truy tố.
Một người Mỹ trắng -cựu chiến binh, đồng đội với tôi trên chiến trường Việt Nam ngày xưa- nhận định, “Nước Mỹ không công bằng nhất thế giới, nhưng tìm một nước khác -công bằng hơn Mỹ- cũng không phải là chuyện dễ.”
Anh nói đúng, đúng như những người Mỹ gốc Á đang đúng khi họ xuống đường đòi công bằng pháp lý cho anh Liang -người mà họ tin là đang bị hàm oan- mặc dù bản án “ngộ sát” của đại bồi thẩm đoàn truy tố anh không oan ức chút nào.
Không phải một sớm, một chiều, mà nền tư pháp Hoa Kỳ được như ngày hôm nay, mà đó là thành quả tranh đấu suốt nhiều thế kỷ của người Mỹ Đen; chúng ta -những người Mỹ Da Mầu- chỉ mới nhập cuộc để đòi công bằng pháp lý.
Không một người Mỹ gốc Việt nào trong chúng ta quan tâm đến số phận anh Liang, vì chúng ta vẫn chưa bỏ được cái triết lý “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại.” (nđt)