Từ những vết máu và mùi nước hoa, cảnh sát đã phát hiện hai thi thể đầu tiên khi cứu hộ vụ nổ sập nhà làm 10 người tử nạn. Tiếp đó là xác vợ chồng ông Phương được tìm thấy trong tư thế ôm nhau chết.
Cảnh sát khám nghiệm hiện trường vụ nổ. Ảnh: Chí Công |
Có mặt ở hiện trường vụ nổ sập nhà ở hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), trước mắt lực lượng cứu hộ cứu nạn của Sở cảnh sát PCCC TP HCM là đống đổ nát chất chồng nặng hàng trăm tấn. Do 3 căn nhà được xây dựng quá lâu với loại tường dày đến 30 cm càng làm cho khối lượng gạch đá, bêtông nhiều hơn bình thường. Không những thế, một lưới sắt mắt cáo của sàn bêtông lầu một đổ úp xuống che kín đống đổ nát như một tấm bạt phủ lên đồ vật.
Hơn 14 người trong 3 căn nhà sập được báo mất tích. Cảnh sát cứu hộ nhanh chóng phác họa sơ đồ của các căn nhà, xác định vị trí phòng ngủ để tìm kiếm nạn nhân. Tuy nhiên, do đa số nạn nhân trong gia đình đều bị chôn vùi nên việc xác định này rất khó khăn. Trong màn đêm tối om, dưới ánh đèn yếu ớt, cảnh sát bắt đầu lao vào tìm kiếm bằng kinh nghiệm.
“Mỗi quyết định được đưa ra thực hiện vào lúc đó là một sự cân não lớn”, thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM nói.
Phía ngoài, hàng trăm người dân nhốn nháo với tâm lý bất an. Tất cả đều sốt ruột muốn nhanh chóng giải phóng bêtông, gạch vữa công trình sụp đổ cao đến hàng mét. “Với những người làm công tác cứu nạn là một điều tối kỵ, vì nếu làm vậy sẽ gây ra sự va chạm, dịch chuyển mạnh các khối bêtông dẫn đến đè chết người đang mắc kẹt. Hoặc làm cát có cơ hội tạo thành dòng chảy đến những khe hở, khoảng trống trong đống đổ nát lấp đầy dẫn đến hết oxy để thở”, một cảnh sát cho biết.
Một vật bằng kim loại giống như phần thân của một khẩu súng trường. Ảnh: Chí Công |
Bước đầu tiên của lực lượng cứu hộ là cắt bỏ từng khúc, từng ô bêtông để lấy khoảng trống tiếp cận phía dưới. Sau vài phút tìm kiếm, 2 nạn nhân là Hồ Sỹ Cường (81 tuổi), ông Phạm Quang Minh (81 tuổi) đã được tìm thấy. Cả hai nằm ngủ ở tầng một của căn nhà và bị mái tôn đè lên người. Trong đó, ông Cường bị nhiều bêtông rơi trúng nên chấn thương nặng. Cả hai nhanh chóng được kéo lên và đưa ra ngoài an toàn.
Xác định còn hơn 10 người mắc kẹt bên dưới, từng tổ cứu hộ lao vào làm việc. 2 giờ sau khi vụ nổ xảy ra, một giọng nữ kêu cứu yếu ớt vang lên từ khe hẹp ở giữa căn nhà 384/7 khiến tất cả đều mừng rỡ. Cụ già Lương Thị Rép (71 tuổi) nằm sâu dưới đổ nát khoảng 2m. “Chiếc tủ gỗ đã đỡ cho nạn nhân tránh bị bê tông đè lên người cũng đã dập nát. Khoảng trống bên dưới chỉ vừa đủ cho nạn nhân nằm như thể cái khuôn. Sức đề kháng của bà ấy đã giảm đi rất nhiều so với những người khỏe mạnh”, một nhân viên cứu hộ nhớ lại.
Thiếu tướng Dương lập tức chỉ đạo cho bơm oxy xuống các khe hở của đống đổ nát nhằm cung cấp cho nạn nhân song song với việc khẩn trương tháo dỡ những khối bê tông nặng hàng tấn để đưa bà Rép ra ngoài an toàn. Quá trình thao tác đòi hỏi phải chuẩn xác từng milimet, tránh gây các vật dụng phía dưới bị tác động sẽ đè nặng thêm có thể khiến nạn nhân gãy xương sống.
Sau gần 30 phút khi phát hiện còn sự sống dưới đống đổ nát khổng lồ, cảnh sát đã bới tìm thấy được bàn tay của nạn nhân còn cử động. Bà cụ vẫn còn tỉnh táo và sẵn sàng hợp tác, phối hợp tốt theo sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ. Và sau nhiều nỗ lực, bà đã nằm trọn trên băng ca và được kéo lên an toàn, trong thở phào nhẹ nhõm của nhiều người. “Dù không nói được nhưng ánh mắt của cụ ấy đã phối hợp tốt với chúng tôi trong việc giải cứu”, nhân viên cứu hộ nhớ lại.
Cuốn tập còn gần như nguyên vẹn (do ống nước vỡ đã làm ướt nên không cháy) là nội dung của một kịch bản. Ảnh: Chí Công |
Công tác cứu nạn cứu hộ được tiến hành liên tục suốt đêm 24/2. Đến 6h sáng, từ những vết máu tươi và mùi nước hoa, cảnh sát cứu hộ đã phát hiện hai thi thể nạn nhân đầu tiên. Cả hai được xác định ở vị trí góc phải cách cửa chính nhà 384/9 khoảng 4 m, sâu bên dưới vài mét.
Đến 9h, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tìm thấy cả gia đình ông Lê Minh Phương, còn được người trong nghề gọi là “Phương khói lửa”. “Hai vợ chồng ông Phương được tìm thấy trong trạng thái ôm nhau chết. Cảnh tượng khiến chúng tôi đau lòng”, nhân viên cứu hộ nói. Sau đó, 3 đứa trẻ nhà ông Phương cũng lần lượt được tìm thấy, em Lê Khánh Phương (17 tuổi) và Lê Nam Phương (6 tuổi) nằm gần nhau.
Trời càng về trưa, Sài Gòn càng nắng. Trong khi đó, 3 nạn nhân còn lại vẫn mất tích. Bằng nghiệp vụ, lực lượng cứu hộ xác định nạn nhân đã chết nên bắt đầu huy động máy xúc cào lớp bê tông để tìm nạn nhân. Đến 11h 30 cùng ngày, 3 nạn nhân cuối cùng cũng đã được đưa lên từ phía cuối căn nhà 384/7A. Công tác cứu hộ kết thúc sau gần 12 giờ tìm kiếm.
“Vụ tai nạn quá thương tâm, nhất là gia đình ông Phương đã mất cả 6 người bao gồm cả những đứa trẻ”, nhân viên cứu hộ chia sẻ.