Đó là bài học về dân trí, dân khí, về cái đạo làm người cơ bản, mà xem ra người Nhật vẫn là bậc thầy dạy người Việt sau hơn một thế kỷ…
Trong cuốn Phan Bội Châu Niên Biểu – Tự Phê Phán có đoạn kể rằng lúc mới đến Nhật (1905), Phan Bội Châu đã gặp một người phu xe Nhật Bản tốt bụng.
Lúc đó Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ dành dụm được vài đồng bạc làm lộ phí để lên phố thị Tokyo tìm cho được anh học sinh Trung Quốc, có tên Ân Thừa Hiến. Xuống xe lửa, hai người gọi một phu xe và đưa tấm danh thiếp chỉ ghi mỗi tên “Ân Thừa Hiến” bằng tiếng Hán ra. Người phu không biết chữ Hán bèn đi tìm người phu xe khác. Anh kia tới và nói với hai người khách Việt Nam: “Bạn tôi không thông chữ Hán nên tiến cử tôi với các ông. Tôi biết chữ Hán nên nếu muốn đi đâu, các ông cứ viết chữ ra là tôi đưa các ông tới”.
Nói rồi, người phu đưa hai ông tới Chấn Võ Học Hiệu, hỏi học sinh Ân Thừa Hiến. Nhưng anh này đang thuê nhà nơi khác chờ qua năm, không ai biết ở đâu.
Người phu xe nghĩ một lúc rồi kéo xe vào bên đường và nói: “Các ngài hãy cứ chờ tôi ở đây vài ba tiếng, tôi đi tìm chỗ ở của người đó, rồi sẽ quay lại”.
Đứng chờ từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ nghĩ: “Tokyo quá rộng, lữ quán có muôn nhà, tìm chỗ ở một học sinh Tàu, gốc Vân Nam chỉ biết tên thật không lấy gì làm chắc. Nếu cùng một nết với dân Việt, e sẽ khốn nạn với vấn đề tiền nong”… Ai dè sau 3 tiếng đồng hồ, anh phu xe mừng rỡ chạy về, dắt hai người đi thêm 1 tiếng, đến một lữ quán có treo biển với hàng chữ “Thanh quốc Vân Nam lưu học sinh Ân Thừa Hiến”.
Giờ mới hỏi đến tiền công, anh phu nói: “Hai hào năm xu”. Phan Bội Châu lấy làm lạ, rút một đồng bạc ra trao và tỏ tấm lòng đền ơn. Người phu xe đáp lại khảng khái: “Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ nhà ga Tokyo đến nhà trọ này, giá xe chỉ có ngần ấy. Vả lại các ngài là ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật mà đến đây, vậy tôi nên hoan nghênh các vị chứ không phải hoan nghênh tiền bạc đâu. Bây giờ, các ngài cho tôi tiền xe vượt quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó!”.
Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ tạ ơn người phu xe đáng kính, lòng thêm tủi!
Sau đó cụ Phan đã phải thốt lên rằng: “Than ôi! Trí thức trình độ dân nước ta xem với người phu xe Nhật Bản, chẳng dám chết thẹn lắm hay sao!”.
Hơn 100 năm sau “cái chết thẹn” đó của người Việt, người Nhật lại một lần nữa dạy chúng ta về sự tử tế. Đáng nói là bài học này lại đến từ một người dân bình thường đại diện cho dân trí của một quốc gia.
Cụ ông người Nhật Bản Oki Toshiyuki (83 tuổi) sau khi được người đạp xích lô Việt mời gọi và chở về gần khách sạn, đã bị “nẫng” 2,9 triệu đồng tiền Việt trong ví. Mặc dù quãng đường rất ngắn, chỉ khoảng 1km và trước đó ông Toshiyuki đã vô cùng cảm kích đưa trả người đạp xích lô 500.000 đồng – một số tiền quá lớn so với mức giá chung và so với thu nhập của người lao động phổ thông ở Việt Nam, nhưng dường như bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ! Ngạc nhiên hơn, khi mà hầu hết người Việt biết đến câu chuyện đều phẫn nỗ và trách cứ anh lái xích lô, thì cụ Toshiyuki lại xin lỗi vì mình đã không hỏi giá trước nên mới dẫn đến sự việc như vậy.
Trăm năm trước, một anh phu xe xứ Phù Tang đã làm ngỡ ngàng trí thức Việt. Trăm năm sau, một anh phu xe xứ Việt lại tạo cơ hội để người Nhật tiếp tục làm ngỡ ngàng người dân nước Nam. Cả hai lần đều dựa trên một chữ “lợi”.
Người phu xe Nhật Bản năm xưa biết bỏ qua cái lợi trước mắt của bản thân. Đó là vì nguyên tắc, vì đạo đức cá nhân, vì nền văn minh Nhật mà hai vị khách Việt đã trót yêu mến, và vì danh dự của cả nước Nhật – những điều mà nói như người Việt ngày nay là “chẳng mài ra mà ăn được”. Một người dân thấp cổ bé họng, ở mức dưới trong phân tầng xã hội đã thể hiện được dân trí như vậy, đó là sự thành công trong giáo dục nhân cách và cách thức xây dựng nền văn hóa, văn minh xã hội của người Nhật.
Cách đây 100 năm, cụ Phan Bội Châu đã nói về cái hại của việc người ta chỉ xét đến cái lợi cho bản thân mình như thế này:
“Nước mất là do rất nhiều điều tệ, tội nhiều không kể hết, nhưng trong đó có bốn cái tội lớn. Một là ngoại giao hẹp hòi; hai là nội trị hủ bại; ba là dân trí bế tắc; bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi.
Vua tôi tự tư tự lợi nên không biết có dân có nước; dân cũng tự tư tự lợi nên cũng không nghĩ gì đến nước đến vua. Ngoại giao nội trị dân trí sở dĩ đồi bại như vậy cũng là do trên dưới đều tự tư tự lợi mà ra cả. Cuối cùng nước bị mất vua bị tù, thần dân đều trở nên giống người mất nước đê tiện. Cái nọc độc tự tư tự lợi nguy hại biết là dường nào” – (sách Việt Nam quốc sử khảo (1908), phần “Người xưa cảnh tỉnh”).
Bài học không tham lợi, khiêm nhường và luôn tìm ra lỗi ở mình chẳng phải là một trong những bài học cơ bản làm người mà nền văn hóa phương Đông đã từng thực hành và đề cao đó sao? Nhưng đáng tiếc thay, thời kỳ mà tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) hưng thịnh và đã từng tạo nên những giá trị phổ quát ở vùng phương Đông rộng lớn khi xưa, giờ chỉ còn sót lại đôi chút và được ghi dấu đậm nét trong những giá trị văn hóa mà người Nhật và người Hàn đang lưu giữ.
Người Nhật vẫn thường hay trích dẫn, kiểu như: “Đức Khổng Tử nói…”, trong khi người Việt tự cắt đứt với văn hóa cổ xưa giàu nội hàm để rồi “bâng khuâng” không biết dựa vào đâu mà níu giữ đạo đức. Những Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín… những giá trị chân thành, thiện lương, bao dung, những năng lực trí tuệ thuận theo đạo để thành tựu con người, quốc gia… đều đã từng bị người Việt coi là hủ lậu, trói buộc, giới hạn con người.
Nhưng bỏ qua những hư nghĩa, hư ngôn bị luồng văn hóa biến dị thêm thắt vào sau này, những giá trị truyền thống phổ quát còn đúng muôn đời sẽ là điều mà dân tộc nào, cá nhân nào cũng nên lưu truyền và thực hành. Bởi đó là ‘sợi chỉ buộc chân voi’ thần kỳ, đã và đang níu giữ đạo đức chứ không phải trói buộc năng lực của chúng ta.
Thuần Dương