Sau khi có lệnh tạm dừng các hoạt động văn hoá, giải trí, kinh doanh không cần thiết, đường phố TP.HCM trở nên vắng vẻ.
28 Tết, giao thông tại TP.HCM thông thoáng cả ngày. Các tuyến đường tại trung tâm quận 1 như: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai… thưa thớt người đi lại. |
Đường Nguyễn Cư Trinh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) là khu vực thuộc diện nguy cơ lây nhiễm cao do có ca mắc Covid-19. Trưa 9/2, các nhà hàng, quán cà phê tại đây đã đóng cửa để phòng chống dịch. |
Chiều 8/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong triệu tập cuộc họp khẩn về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ông Phong yêu cầu tạm dừng tất cả hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử. |
Các nhà hàng, quán bar, pub trên phố Bùi Viện (quận 1) nằm trong những loại hình kinh doanh không thiết yếu, bắt buộc đóng cửa. Quản lý một nhà hàng tại đây cho biết không khí khá buồn khi dịp lễ, Tết là thời điểm “hái ra tiền” nhưng phải đóng cửa quán sớm. |
Chợ hoa tại Công viên 23 Tháng 9 (quận 1) chung cảnh ngộ vắng vẻ. Chỉ vài ngày trước, nhiều người dân đến đây mua cây kiểng chơi Tết. |
Anh Đặng Thanh Hoàng, một tiểu thương bán mai tại Công viên 23 Tháng 9, cho biết anh đến đây từ 25 Tết, số lượng cây bán ra mới được hơn 20 cây. “Cả năm chỉ chờ đợi vào một tuần lễ trước Tết để bán cây kiểng mà dịch lại bùng phát”, anh Hoàng chia sẻ. |
Khu vực phố ông đồ trong khuôn khổ hoạt động “Lễ hội Tết Việt” tại Nhà văn hoá Thanh Niên cũng dừng hoạt động. Tại đây chỉ còn sót lại các khung tre, mái lá dùng trang trí. |
Nhiều cửa hàng không thiết yếu nằm lân cận khu vực có ca mắc Covid-19 cũng phải tạm dừng hoạt động. |
Hồ Con Rùa vắng vẻ lúc 16h. Lúc này, các trung tâm tiệc cưới, phòng trà, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, cơ sở kinh doanh thể thao cũng ngừng mở cửa. Các nghi lễ tôn giáo và hoạt động có 20 người trở lên ở cơ sở thờ tự cũng tạm ngừng. |