Chiều 7/7, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong công bố áp dụng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố, thời gian 15 ngày, kể từ 0h ngày 9/7.
Yêu cầu người dân không ra đường
Trên tinh thần đó, Chủ tịch TP yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện tận dụng thời gian giãn cách xã hội để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch. Đồng thời thông tin rõ tới các các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
“Yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác” – lời ông Phong.
Chính quyền TP cũng đề nghị người dân không cần mua tích trữ hàng hóa, không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống… vì TP đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho người dân.
Ông Phong kêu gọi người dân bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và TP. Ông cũng kêu gọi phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”. Đồng thời mong muốn người dân ủng hộ, cảm thông khi TP áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Đảm bảo hàng hóa thông suốt
UBND TP.HCM chỉ đạo Sở GTVT tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô, trừ trường hợp vận chuyển cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân… và một số phương tiện taxi chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết.
Tạm ngừng hoạt động của xe công nghệ hai bánh và xe hai bánh truyền thống (xe ôm) vận chuyển hành khách.
Sở này cũng được giao phối hợp với các tỉnh trong việc tổ chức giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt, không để ách tắc, ùn ứ.
Đặc biệt, chủ động làm việc để kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi và đến TP.HCM. Đồng thời thống nhất yêu cầu đối với các phương tiện tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển TP.HCM, tất cả thuyền trưởng, thuyền viên bắt buộc phải có giấy xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính trước ngày rời bến một ngày và không được lên bờ.
Giao Sở Nội vụ tổ chức cho cán bộ, công chức sử dụng công nghệ thông tin và làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác mới đến làm việc tại công sở.
Số lượng làm việc tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan quyết định nhưng không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị. Riêng lực lượng vũ trang và y tế đảm bảo 100% quân số.
Đẩy mạnh giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trường hợp đặc biệt do từng cơ quan, đơn vị quyết định)
Giao Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 16.
Trong đó, tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch theo quy trình 5 bước của TP. Thành lập 22 Đội truy vết dịch bệnh, mỗi đội từ 10-30 người tùy theo mức nguy cơ của từng địa phương và giao quyền chỉ đạo Đội truy vết này cho các địa phương.
Tăng cường năng lực xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân, người lao động có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn TP. Phát huy hiệu quả Trung tâm Điều phối xét nghiệm của TP và Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch đặt tại trụ sở UBND TP.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao và các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung. Thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất.
Triển khai Kế hoạch điều trị 10.000 -20.000 ca nhiễm, theo đó phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện trung tâm TP).
Từ ngày 27/4 đến 18 giờ ngày 6/7, Thành phố ghi nhận 7.385 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, trong đó có 45 bệnh nhân tử vong.
Từ 6 giờ ngày 6/7 đến 6 giờ ngày 7/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố ghi nhận 1.693 trường hợp nhiễm, phần lớn là ở khu vực cách ly, khu phong tỏa, có 212 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 682 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
Hiện đang điều trị 7.118 bệnh nhân dương tính mới. Có 335 bệnh nhân nặng tại 11 bệnh viện, trong đó có 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.