Nhiều đơn tố cáo của người dân về cách làm ăn gian dối, thiếu nhân tâm của Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương (TP.HCM), chuyên “vẽ bệnh” moi tiền.
Trong vai người đến khám phụ khoa, nam khoa tại Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương ở địa chỉ 34-36 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, TP.HCM, nhóm phóng viên được cấp mã số khám bệnh và lần lượt được giao hẹn đến trực tiếp tại các phòng khám.
Đúng như phản ánh của người dân, dù biết rõ không đeo biển tên sẽ bị phạt từ 300.000-500.000 đồng theo Nghị định 176/CP, hầu hết đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp khám bệnh ở đây đều không thực hiện. Tại phòng khám phụ khoa, các nhân viên y tế cũng trùm khẩu trang kín mít từ đầu đến cuối. Bởi thế, người khám bệnh rất khó nhận dạng và biết rõ là ai nếu những nhân viên này làm điều gì khuất tất. Theo đúng lộ trình, nữ phóng viên (PV) được kiểm tra âm đạo, rồi chỉ định cho đi xét nghiệm, siêu âm…
Sau khi thực hiện xong các xét nghiệm cận lâm sàng, lẽ ra phải được gặp bác sĩ để lấy kết quả, nhưng PV lại được dẫn vào một căn phòng “đặc biệt”. Khi được nằm lên giường tiểu phẫu, hai nhân viên y tế không có biển tên đã cho PV xem những hình ảnh ghê rợn qua một thiết bị có màn hình và cho biết đó cổ tử cung.
Nhân viên y tế Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương không đeo biển tên trong quá trình làm việc. Ảnh: VOV. |
Theo lời một nhân viên y tế, tử cung của PV có nhiều huyết trắng, bị phì đại, có nhiều vi khuẩn, tạp khuẩn… nguy cơ sẽ ăn mòn cổ tử cung cần phải điều trị ngay, không nên để kéo dài. Để chữa dứt điểm, cần phải đào thải huyết trắng, vi khuẩn bằng phương pháp dẫn thuốc trực tiếp với 2 mức giá 8,4 triệu đồng trong vòng một năm sẽ không tái phát, hoặc 4,4 triệu đồng nhưng chỉ bảo hành 6 tháng.
Chưa hết, 2 nhân viên y tế này còn liên tục nói rằng bệnh này có nguy cơ viêm nhiễm nghiêm trọng về sau và hối thúc PV đóng tiền ngay để kịp thời điều trị. Thuyết phục không được, một nhân viên trong số họ ra “chiêu cuối” và hỏi PV còn bao nhiêu tiền, nếu còn 500.000 đồng, sẽ được xử lý vệ sinh âm đạo làm sạch huyết trắng. Sau đó, nhân viên này sẽ giúp kiểm tra tử cung để phát hiện cổ tử cung đã bị ăn mòn hay chưa. Khi bị từ chối vì không còn tiền, nhân viên này gửi PV số điện thoại và danh tính để khi nào có tiền quay lại sẽ được đáp ứng.
Mang nỗi lo ám ảnh bị ăn mòn tử cung theo lời bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương, nữ PV đã đi khám lại ở một bệnh viện khác trên địa bàn TP.HCM. Thông tin bất ngờ được bác sĩ tại đây khẳng định tình trạng âm đạo sạch, hoàn toàn không có gì bất thường. Cổ tử cung láng, chỉ có vài nang Naboth, một tổn thương lành tính sẽ tự khỏi. Kể cả “kết luận” trong phiếu siêu âm cho thấy bị ứ dịch túi cùng cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe về sau.
Tiếp đó, nữ PV đến Bệnh viện Từ Dũ để được tư vấn thêm và một bác sĩ kinh nghiệm ở đây giải thích huyết trắng là chất dịch luôn tồn tại trong bộ phận sinh dục, có tác dụng bôi trơn, làm mềm, có vai trò quan trọng trong đời sống sinh lý phụ nữ, giữ cho môi trường âm đạo luôn có độ ẩm nhất định. Đặc biệt, ở những phụ nữ trẻ tuổi, đang trong độ tuổi sinh sản, chất dịch này sẽ có nhiều hơn.
Sổ khám bệnh chỉ có vài thông tin tiền sử người bệnh, không có chẩn đoán và phương pháp điều trị nhưng lại cho là mắc bệnh nặng, dễ biến chứng để dồn ép bệnh nhân chữa trị. Ảnh: VOV. |
Theo BSCKI Phạm Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, kết quả xét nghiệm dịch huyết trắng của PV tại Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương cũng cho thấy không phải là bệnh lý. Bởi cơ quan sinh dục nữ tồn tại nhiều vi khuẩn có lợi và có hại, nhằm tạo ra sự cân bằng độ pH cho phụ nữ.
“Tiết dịch, chất dịch của phụ nữ là hoàn toàn sinh lý bình thường. Tiết dịch ở âm đạo phụ nữ là tốt, chứng tỏ chức năng của cơ quan sinh dục, hoạt động của phụ nữ tốt, chuẩn bị cho việc mang thai hoặc sinh hoạt vợ chồng. Nếu có thấy dịch nhiều hơn bình thường, vẫn có thể là dịch sinh lý”, BS Hải phân tích.
Tiếp đó, tại phòng khám nam khoa, 2 nam PV thâm nhập thực tế trong hai ngày khác nhau ở Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương cũng được các nhân viên ở đây vẽ ra nhiều thứ bệnh kinh hãi. Sau các khâu xét nghiệm, một “bác sĩ” Trung Quốc xuất hiện chưa đầy 2 phút, không nói câu gì mà chỉ nhìn lướt qua người bệnh rồi bỏ đi. Cứ thế, để mặc phiên dịch viên tự “phán” là bị mắc bệnh “lậu” dễ gây biến chứng và đề nghị PV cần chữa trị ngay trong phòng tiểu phẫu.
“Anh bị mắc bệnh “lậu” phải điều trị ngay, để kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản nên cần phải cắt bao quy đầu”, một nhân viên nói với nam PV như lời kết luận của bác sĩ, mà không ghi vào sổ khám bệnh theo quy định. Từ Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương, 2 nam PV đều bị cho là mắc bệnh lậu này đã quay về Bệnh viện Bình Dân khám lại. Kết quả nhuộm soi tại đây cho thấy âm tính với phế cầu lậu. Tức là không mắc bệnh lậu và được bác sĩ giải thích thêm bị lậu mà cắt bao quy đầu sẽ gây viêm nhiễm nặng hơn.
Như vậy, không có bệnh trở thành có bệnh; bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng, bị bệnh xã hội dễ dẫn đến vô sinh… Những chiêu thức đó liên tiếp được cơ sở này áp dụng. Trong khi đó, trong sổ khám bệnh, lại không hề có một dòng chữ nào liên quan đến tình trạng bệnh, cũng không có tên bác sĩ thăm khám và kết luận lâm sàng.
Phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương từng gây chấn động dư luận sau vụ “vẽ bệnh, cứa cổ moi tiền” bệnh nhân là chị Trần Thị Sao Mai ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM đầu năm 2017. Những tưởng, sau vụ lùm xùm đó, cơ sở khám bệnh này chấn chỉnh lại hoạt động để phục vụ bệnh nhân. Nhưng việc “vẽ bệnh” moi tiền ở đây vẫn liên tục diễn ra nên nhiều người dân vẫn còn bị sập bẫy.