ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Đi làm thẻ ngân hàng không được do tên quá dài, một phụ nữ ở xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, xin đổi tên ngắn lại cho thuận tiện nhưng bị chính quyền từ chối.
Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương (33 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), theo báo Thanh Niên.
Trước đó, ngày 27 Tháng Chín, 2019, chị Phương gửi hồ sơ lên Ủy Ban Nhân Dân huyện Nhơn Trạch xin được đổi tên thành Nguyễn Thị Kim Phương, tức là chỉ bỏ bớt hai chữ “Hoàng Linh” trong tên của mình.
Theo chị Phương, chị muốn đổi tên là trước đó chị đi làm thẻ ATM ngân hàng nhưng do tên nhiều chữ mà chữ nào cũng dài nên ngân hàng không làm thẻ được.
Thế nhưng, đến ngày 3 Tháng Mười, Ủy Ban Nhân Dân huyện Nhơn Trạch có văn bản gửi trả lời chị Phương, do ông Lương Hữu Ích, phó chủ tịch huyện Nhơn Trạch ký, cho biết “không giải quyết.”
Cụ thể, Ủy Ban Nhân Dân huyện Nhơn Trạch mặc dù cho rằng: “Quyền thay đổi tên là quyền dân sự của công dân, cá nhân được phép yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên,” tuy nhiên nhận thấy yêu cầu thay đổi chữ đệm của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương là “không có cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể là không thuộc một trong các trường hợp được công nhận việc thay đổi tên theo quy định tại Khoản 1, Điều 28, Bộ Luật Dân Sự 2015.”
Nói với báo Thanh Niên, Luật Sư Nguyễn Thanh Tuấn, Đoàn Luật Sư ở Đồng Nai, cho biết: “Trong trường hợp này Ủy Ban Nhân Dân huyện Nhơn Trạch ra quyết định như vậy cũng không sai, nhưng có điều hơi cứng nhắc. Người dân xin thay đổi tên để thuận lợi cho công việc của họ trong cuộc sống chứ không có ý đồ xấu gì, do vậy chính quyền nên linh động giải quyết, còn từ chối thì không thỏa đáng lắm.”
Chiều cùng ngày, báo Thanh Niên đã gọi điện thoại cho ông Lương Hữu Ích để hỏi rõ thêm vụ xin đổi tên, thì ông Ích yêu cầu “có câu hỏi gì cứ gửi đến Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân huyện Nhơn Trạch, lãnh đạo huyện sẽ phân công Phòng Tư Pháp trả lời.”

Nhiều người dân sau khi biết chuyện đã tỏ ra bất bình, cho rằng đây là nhu cầu tất yếu, có lý do chính đáng sao lại không giải quyết cho người dân?
Bạn đọc Đ. Hòa (Sài Gòn) bất bình bày tỏ trên báo Thanh Niên: “Làm phó chủ tịch huyện mà như… robot ai làm chẳng được. Cái gì lợi cho dân cho nước thì làm, sợ sai nghỉ đi đừng làm hay hơn.”
“Lại cán bộ đúng quy trình quy định đây mà. Buồn vì không có cán bộ linh hoạt cho dân nhờ. Cán bộ đừng như người máy thì xã hội mới phát triển, chứ cái gì cũng chờ trung ương chỉ đạo là sao?” bạn đọc Đặng Xuân Diễn (Nghệ An) tức giận viết.
Còn bạn đọc tên Tuấn (Đồng Nai) mỉa mai: “Huyện Nhơn Trạch đang xây dựng huyện tiến lên ‘thành phố mới, nông thôn mới’ mà có cái tên của người dân lại không đổi được. Luật thì luật nhưng cán bộ cần phải linh hoạt chứ đừng cứng nhắc, vì như vậy sẽ làm khổ người dân. Chán!”
Trong khi đó, Facebooker Khách Huyền Đao dẫn ra một vụ tương tự ở Mỹ để so sánh cách làm việc linh động của người Mỹ trong việc giúp người dân.
“Keihanaikukauakahihulihe’ekahaunaele, trong ngôn ngữ của Hawaii nghĩa là “Khi có hỗn loạn và lầm lẫn, bạn sẽ là người đứng lên và giúp người ta tập trung vào một hướng để ra khỏi cơn hỗn loạn.” Đó cũng là họ chồng của bà Janice “Lokelani” gồm 35 mẫu tự và một dấu. Tổng cộng, họ của bà Janice chiếm tới 36 vị trí mẫu tự.
Tuy nhiên, bằng lái và cũng là thẻ căn cước của tiểu bang Hawaii chỉ có đủ chỗ cho 35 mẫu tự mà thôi, do đó họ của bà Janice trên giấy tờ luôn thiếu mất một chữ E cuối cùng.
Điều này đã gây rắc rối cho bà Janice khi bà đi du lịch hay phải làm việc với viên chức cảnh sát có cách làm việc cứng ngắc nào đó. Thế là bà liền gọi cho một đài radio địa phương để than phiền.
Ba tháng sau khi vụ việc được lên sóng radio, tiểu bang Hawaii ra một quy định mới về thẻ căn cước và bằng lái với thiết kế mới, cho phép có tới 40 mẫu tự đối với họ và tên và 35 mẫu tự đối với tên lót.
Vụ này xảy ra hồi năm 2013 và báo chí đồng loạt đăng tải “tin mừng” này ngay vào ngày cuối cùng của năm 2013. (Tr.N)