Tây Ban Nha sẽ phải sử dụng lực lượng vũ trang để giúp vận chuyển thi thể của những người chết vì Covid-19 khi nước này ghi nhận số trường hợp tử vong trong một ngày cao kỷ lục.
Quân đội Tây Ban Nha sẽ phải can thiệp do số lượng người chết quá đông và thiếu nhà tang lễ, theo một tuyên bố trên tờ báo chính thức của nước này.
Động thái này được đưa ra khi Tây Ban Nha xác nhận thêm 838 trường hợp tử vong do Covid-19 chỉ trong 24 giờ vào ngày 29/3. Đây là con số cao kỷ lục, nâng tổng số ca tử vong của nước này lên 6.528 người, theo số liệu của Bộ Y tế.
Điểm nóng bùng phát dịch số 2 thế giới
Số trường hợp dương tính ở Tây Ban Nha hiện đã lên tới 78.797, sau khi tăng 9,1% trong một ngày. Nước này đang phải chiến đấu với sự bùng phát dịch Covid-19 nguy hiểm thứ hai trên thế giới sau Italy.
Người đào mộ chôn bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở nghĩa trang Almudena, Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP |
Các nhà chức trách cho biết việc sử dụng quân đội sẽ kéo dài trong suốt thời gian khẩn cấp của đất nước.
Quốc hội Tây Ban Nha đã phê chuẩn gia hạn các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt trong hai tuần nữa cho đến ngày 11/4.
Madrid vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm gần một nửa số ca tử vong ở nước này.
Đầu tuần trước, thủ đô Tây Ban Nha đã buộc phải chuyển đổi một sân băng thành nhà xác do có quá nhiều người chết trong thành phố.
Thủ tướng Pedro Sanchez cũng tuyên bố ban hành các biện pháp hạn chế thậm chí còn cứng rắn hơn nữa ở nước này trong nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng y tế.
Bắt đầu từ 30/3, tất cả các lao động không làm việc trong các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu sẽ phải ở nhà trong hai tuần, tuy nhiên ông Sanchez không nêu rõ “dịch vụ thiết yếu” này bao gồm những lĩnh vực nào.
Ông nói tiền lương của những lao động này vẫn sẽ được trả, nhưng số giờ làm bị mất sẽ được bù dần sau này.
Cho đến nay, mọi người vẫn có thể đi làm dù đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp, như đã tuyên bố vào ngày 15/3.
Tuy nhiên, mọi người chỉ được phép rời khỏi nhà vì những việc thiết yếu, chẳng hạn như mua thực phẩm. Họ phải đi một mình. Tập thể dục ngoài trời và đi dạo hiện cũng đang bị cấm”, ông Sanchez phát biểu.
“Tại Tây Ban Nha, những giờ phút khó khăn nhất vẫn chưa đến, virus đang tấn công chúng ta vô cùng mãnh liệt”.
Châu Âu tìm cách đoàn kết chống dịch
Tây Ban Nha và Italy đã gần phong toả hoàn toàn. Công dân buộc phải ở nhà, ngoại trừ các hoạt động thiết yếu như mua thực phẩm và thuốc men.
Tại Đức, nơi các trường hợp dương tính và tử vong cũng đang gia tăng, Thủ tướng Angela Merkel nói rất ít khả năng các lệnh hạn chế của đất nước được nới lỏng trước ngày 20/4. Các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này tăng gấp đôi cứ sau 5,5 ngày, và lệnh cách ly, phong toả đất nước chỉ có thể được nới lỏng khi các trường hợp không tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 10 ngày.
“Số lượng các trường hợp mới không phải là lý do để nới lỏng các quy định”, bà Merkel nói hôm 28/3.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã nhiễm virus, sân vận động Excel ở London đang được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến và các trung tâm điều trị mới đã được lên kế hoạch cho Birmingham và Manchester.
Việc thiếu không gian trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ở Tây Ban Nha khi số bệnh nhân ở ICU lần đầu tiên vượt quá khả năng hiện có. Bệnh nhân ở ICU đã tăng thêm 410, lên tới con số 4.575, trong khi công suất tối đa chỉ ở mức 4.404.
Các nhân viên quân y đang khử trùng các quan tài tại nhà thờ ở San Giuseppe thuộc thành phố Seriate, Italy. Ảnh: Shutterstock . |
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang đau đầu tìm một câu trả lời chung cho cuộc chiến chống lại đại dịch và hạn chế hậu quả kinh tế từ nó. Pháp và Italy đang thúc đẩy các biện pháp toàn diện hơn như phát hành nợ chung để đối phó với khủng hoảng. Đức, cho đến nay, không chấp thuận đề xuất đó.
Phát biểu trong các cuộc phỏng vấn với nhiều tờ báo khác nhau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thúc giục phối hợp hành động – điều này có thể gây ra một cuộc đối đầu với Đức và các nước phía bắc khác tương tự như cuộc khủng hoảng nợ công.
“Chúng ta sẽ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng này mà không có sự đoàn kết mạnh mẽ của châu Âu, cả trên mặt y tế và ngân sách,” ông Macron phát biểu trong cuộc phỏng vấn với ba tờ báo Italy. “Nếu châu Âu không có khả năng vượt qua thách thức thì toàn bộ dự án châu Âu sẽ có nguy cơ mất đi giá trị pháp lý trong mắt người dân”, ông Conte nói trong một cuộc phỏng vấn riêng với Il Sole 24 Ore.